Trong trị liệu nội khoa, ngoại khoa, sản khoa hay khoa nhi tình trạng mất máu có thể xảy ra với các mức độ khác nhau. Trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu 3 mức độ mất máu cấp và chỉ định truyền máu cấp cứu, hãy cùng theo dõi ngay nhé!
Nội dung tóm tắt
3 mức độ mất máu cấp là gì?
Theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính người lớn có thể tích máu khoảng 70ml/kg cân nặng, còn trẻ em thể tích máu vào khoảng 75ml/kg cân nặng.
Mất máu là sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố có trong máu lưu hành. Số lượng hematocrit và hồng cầu phản ánh một phần của việc mất máu vì nồng độ huyết sắc tố, thể tích trung bình của hồng cầu dễ thay đổi căn cứ theo tính chất mất máu cùng các tác động khác.
Hiện có 3 mức độ mất máu cấp, cụ thể:
- Khi thể tích mất máu toàn thể dưới 15% được coi là mất máu ở mức độ vừa.
- Khi thể tích máu toàn thể chỉ ở 15 – 30 % được gọi là mất máu ở mức độ nặng.
- Thể tích máu toàn thể trên 30% là mất máu ở mức độ quá cấp tính và trầm trọng, điều này có thể đe dọa đến tính mạng.
Đọc thêm: Tìm hiểu 350ml máu bằng bao nhiêu gam khi hiến
Cách xử trí truyền máu theo 3 mức độ mất máu cấp
Máu và các chế phẩm máu từ người hiến được dùng để thay thế cho lượng máu đã mất đi ở người nhận. Tùy theo các mức độ mất máu mà bác sĩ sẽ có chỉ định xử trí phù hợp, cụ thể:
- Bị mất máu do phẫu thuật hoặc do tai nạn.
- Bệnh nhân mắc bệnh rối loạn đông máu, thiếu máu.
- Hỗ trợ việc điều trị một số bệnh lý.
– Nếu mất máu ở mức độ vừa: Bác sĩ có thể sẽ chỉ định truyền các dung dịch nước muối sinh lý, các dung dịch keo nhằm mục đích bù đắp thể tích tuần hoàn.
– Nếu mất máu ở mức độ nặng: Bác sĩ sẽ ưu tiên truyền các dung dịch có trọng lượng phân tử cao trước, khi có các triệu chứng thiếu máu nặng hơn sẽ chỉ định truyền máu toàn phần.
– Nếu mất máu quá cấp tính và trầm trọng có nguy cơ đe dọa đến tính mạng: Bác sĩ sẽ chỉ định truyền cấp cứu máu toàn phần (máu của người nhận tương thích với nhóm máu người cho) kết hợp truyền các dung dịch có trọng lượng phân tử cao.
Xem thêm: Chỉ số bishop là gì? Ý nghĩa của chỉ số này trong sản khoa
Chỉ định sử dụng máu và các chế phẩm từ máu
Việc chỉ định và sử dụng máu cùng các chế phẩm máu hợp lý đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu có một sai sót nhỏ cũng khiến bệnh nhân tử vong.
Dưới đây là chỉ định truyền máu và các chế phẩm từ máu:
Máu toàn phần gồm máu tươi toàn phần và máu toàn phần lưu trữ
Máu tươi toàn phần hầu như không còn được chỉ định thực hiện ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên ở những nơi không có sẵn các chế phẩm máu thích hợp, việc dùng máu tươi vẫn được chỉ định nhằm mục đích điều trị các trường hợp bệnh như thiếu hụt các yếu tố đông máu huyết tương hay giảm tiểu cầu. Bên cạnh đó, máu tươi toàn phần còn sẽ được chỉ định trong trường hợp truyền thay máu hoặc mất máu với khối lượng lớn của ngoại khoa và sản khoa.
Máu toàn phần lưu trữ được chỉ định sử dụng giới hạn trong những trường hợp cấp cứu hay những nơi không có đủ điều kiện sản xuất đủ các thành phần của máu.
Khối hồng cầu
Mỗi một đơn vị khối hồng cầu có thể làm tăng lượng hemoglobin lên 10g/l ở người lớn, vậy nên khối hồng cầu sẽ được chỉ định sử dụng với mục đích làm tăng khả năng vận chuyển oxygen của máu. Tuy nhiên việc có truyền khối hồng cầu hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân, tình trạng thiếu máu cấp tính hay mãn tính, các biểu hiện lâm sàng của thiếu oxygen, cùng khả năng bù trừ của bệnh nhân với sự thiếu máu.
Khối hồng cầu rửa
Khối hồng cầu rửa là phương pháp cho phép loại bỏ 85% bạch cầu cùng 99% huyết tương, tồn trữ ở nhiệt độ từ 2 – 6 độ C và dùng trong 24 giờ.
Thường khối hồng cầu rửa được chỉ định sử dụng để:
- Phòng ngừa phản ứng dị ứng ở các bệnh nhân có tiền sử dị ứng các thành phần của huyết tương.
- Các trường hợp thiếu máu tan máu miễn dịch có hoạt hóa bổ thể: thiếu máu huyết tán kháng thể lạnh IgM, bệnh tiểu hemoglobin kịch phát ban đêm,…
- Các bệnh nhân thiếu hụt bẩm sinh IgA, phòng ngừa sốc phản vệ khi truyền máu có chứa IgA nếu bệnh nhân đã có kháng thể IgA hoặc tránh mẫn cảm hóa nếu kháng thể này chưa xuất hiện.
- Các bệnh nhân có tiền sử ban xuất huyết sau truyền máu.
Khối hồng cầu loại bỏ bạch cầu
Khối hồng cầu loại bỏ bạch cầu được chỉ định khi:
- Phòng ngừa các phản ứng sốt run lạnh liên quan đến kháng nguyên hệ Human Lymphocyte Antigen (HLA).
- Phòng ngừa các bệnh truyền qua bạch cầu như nhiễm Cytomegalovirus.
- Các trường hợp tiểu cầu không có hiệu quả.
- Phòng ngừa nguy cơ gây miễn dịch hệ HLA có thể gây các phản ứng thải mãnh ghép ở các bệnh nhân sau này cần ghép tạng.
Khối tiểu cầu
Khối tiểu cầu sẽ được chỉ định dùng truyền cho các bệnh nhân hoặc nạn nhân bị giảm tiểu cầu về cả số lượng hoặc chất lượng. Cụ thể:
- Về nội khoa: chỉ định khi các bệnh nhân giảm tiểu cầu mà chưa xuất hiện triệu chứng, hay các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ xuất huyết như sốt, nhiễm trùng tăng huyết áp, hoặc các bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết như ban xuất huyết có chấm và mãng nhiều nơi.
- Về ngoại khoa: chỉ định đối với các phẫu thuật ở thần kinh và phẫu thuật ở phần sau của mắt hoặc các trường hợp gây tê tủy sống,…
- Về sản khoa: chỉ định dùng trong một số trường hợp mổ lấy thai hoặc sinh thường.
Huyết tương tươi đông lạnh
Huyết tương tươi đông lạnh được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Bệnh lý đông máu gây cạn kiệt các yếu tố đông máu, xuất huyết cấp tính và nặng dẫn đến giảm toàn bộ các yếu tố đông máu.
- Thiếu hụt các yếu tố đông máu hiếm trong lúc các thành phần này không có sẵn, hay ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, hoặc hội chứng huyết tán và tăng urê máu.
- Suy gan gây xuất huyết.
- Các trường hợp điều trị chống đông máu nhóm kháng vitamin K xuất hiện biến chứng chảy máu.
Tủa lạnh
Tủa lạnh thường được chỉ định sử dụng với:
- Các bệnh Willebrand hoặc Hemophilia.
- Các trường hợp thiếu hụt fibrinogen bẩm sinh như tiêu sợi huyết nguyên phát hoặc đông máu rải rác trong lòng mạch
- Bệnh thiếu yếu tố XIII của máu.
Với những thông tin được chia sẻ trên đây mong rằng các bạn đã hiểu hơn về 3 mức độ mất máu cấp cùng chỉ định truyền máu cấp cứu. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc các bạn sức khỏe!